Du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại sau đại dịch với những thay đổi có thể tốt hơn cho du khách. Đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia thế giới.
Viễn cảnh sau “sốt cabin”
Đại dịch Covid-19 khiến 1/3 dân số thế giới đang trong tình trạng phong toả, cách ly. 93% số người dân đang sống tại các quốc gia áp dụng quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội.
Tình trạng đó đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều ngành công nghiệp, trong đó du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề. Dẫu vậy các chuyên gia vẫn tin rằng du lịch sẽ phục hồi ngay sau đại dịch, nhưng có thể sẽ khác so với trước dù chưa ai trả lời chính xác được câu hỏi: Khi nào và mất bao lâu?
Báo Insider ngày 8/4 dẫn lời một số chuyên gia và các nhà phân tích trao đổi về vấn đề này.
Chắc chắn sẽ không thể có chung “một ngày kỳ diệu” trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vì vậy sự phục hồi du lịch sẽ nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào tình trạng đi lại sẽ trở lại bình thường sớm hay muộn tại mỗi nước.
TripAdvisor – hãng du lịch Mỹ chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch – khẳng định: “Nhu cầu du lịch của người dân là rất lớn. Như những gì chúng ta đã thấy sau dịch SARS, Ebola, các vụ tấn công khủng bố và thiên tai, du lịch luôn hồi phục”.
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất do hãng LuggageHero thực hiện cũng khẳng định điều đó, với 58% trong số 2.500 người Mỹ được hỏi cho biết họ đang có kế hoạch đi du lịch trong khoảng từ tháng 5-9 năm nay nếu các điểm đến không nằm trong diện “cách ly”. 1/ 4 trong số đó nói họ sẽ tránh các thành phố lớn và không sử dụng giao thông công cộng, 21% nói sẽ ưu tiên đi du lịch trong nước trước.
“Người dân cần đi du lịch, đó là một khía cạnh cơ bản của con người” – nhà phân tích tương lai Ross Dawson nhấn mạnh, đồng thời cũng bày tỏ tin tưởng ngành du lịch sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, dù hành trình trở lại bình thường vẫn còn nhiều gập ghềnh và rủi ro.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Harris thực hiện từ 28-30/3 còn cho thấy ý kiến của hầu hết người được hỏi (đang “cách ly”) ngụ ý tới cái gọi là “sốt ca bin” (tình trạng bị mắc kẹt tại những điểm biệt lập hoặc trong các khu vực hạn chế một thời gian dài), dẫn tới xu hướng tăng đột biến nhu cầu du lịch sau đó. 24% người được thăm dò nói họ đã và đang lên kế hoạch đi du lịch ngay sau khi tình hình trở lại bình thường…
Xu hướng mới
Xu hướng “chuyến đi vi mô” (là cách du khách chọn đi nhiều tour hơn tới các điểm xa xôi nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chủ yếu vì giá rẻ) vốn bùng nổ trước đại dịch, được dự đoán sẽ được thay thế bằng các chuyến du lịch được chọn lọc hơn, có ý nghĩa hơn.
Ông Scott Keyes – người sáng lập hãng máy bay giá rẻ Scott’s Cheap Flights và cũng là một chuyên gia về các chuyến bay – nói rằng sẽ “không ngạc nhiên” nếu thấy xu hướng đi du lịch trong nước phổ biến hơn là ra nước ngoài, ít nhất là vào thời gian đầu sau đại dịch vì nhiều người cho rằng đi gần ít rủi ro hơn đi xa.
Xu hướng nữa cũng được dự đoán là nhiều người sẽ chọn các hành trình có mục đích rõ ràng hơn. Cụ thể theo nhà phân tích Dawson, sẽ có một ngưỡng cao hơn khi người dân lựa chọn chuyến đi du lịch, chứ không phải chỉ đi theo kiểu tuỳ hứng bất chợt.
Ông Gilbert Ott – người sáng lập hãng God Save The Points – lưu ý: “Vì lợi ích của cả hành tinh, chúng ta cũng nên cân nhắc tới việc đi ít hơn nhưng với thời gian dài hơn”.
Ông Richard Kahn – cựu biên tập viên du lịch và giám đốc tiếp thị với 50 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch – nói về xu thế nhiều người sẽ chọn cách thực hiện những chuyến đi theo Bucket List (danh sách họ đã lựa chọn và lên kế hoạch từ lâu về những điểm đến mà họ chưa từng tới…) nhiều ý nghĩa hơn.
Thời kỳ hoàng kim
Nói chung về du lịch và hàng không, báo cáo mới nhất của một nhà phân tích làm việc cho hãng đầu tư ngân hàng Stifel nhận xét: Ít nhất tới giữa năm 2021, nhu cầu du lịch đường không vẫn chưa thể trở lại được như mức trước khi bùng phát dịch Covid-19. Nhưng nhìn về tổng thể thì du lịch bằng đường hàng không vẫn hứa hẹn có bước tiến khả quan trong tương lai.
Một số chuyên gia dự đoán giá vé máy bay có thể vẫn giữ ở mức thấp trong một thời gian, đồng thời các hãng hàng không nhiều khả năng vẫn giữ chính sách về việc huỷ và đổi vé linh hoạt hơn (như được áp dụng “thời Covid-19”).
Ông Jeffrey Traugot (cố vấn về du lịch tại Manhattan liên kết với hãng lữ hành Travel Experts, từng quan sát ngành du lịch trong cả thời kỳ sau cuộc tấn công khủng bố tại nước Mỹ 11/9/2001 và khủng hoảng tài chính 2008) nói:
“Các hãng hàng không, tàu du lịch và khách sạn đều sẽ áp dụng các chính sách nhẹ nhàng và linh hoạt hơn trong một thời gian, cho tới khi việc đi lại trở nên bình thường. Vì vậy sẽ có thay đổi nhưng tôi nghĩ đó chỉ là tạm thời”.
Linh Lê
Theo Insider