Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Tái cơ cấu lại, Jetstar Pacific sẽ hoạt động như thế nào?

Tái cơ cấu lại, Jetstar Pacific sẽ hoạt động như thế nào?

Blog thumbnail

Sau 13 năm hợp tác giữa Hãng hàng không quốc gia của Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas của Australia, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) sẽ triển khai tái cơ cấu lại. Theo dự kiến, Vietnam Airlines tiếp nhận việc chuyển giao toàn bộ 30% cổ phần của Qantas tại JPA và rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Gồng mình vượt lỗ

Theo báo cáo tài chính năm 2019, hãng hàng không giá rẻ JPA thực hiện gần 40.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối 100% vận chuyển trên 6 triệu lượt khách với mức tăng trưởng ổn định số chuyến bay nội địa tăng 0,8%. Sau nhiều năm thua lỗ từ năm 2018 JPA đã bắt đầu có lãi sau khi tái cơ cấu cùng phối hợp thương hiệu kép với Vietnam Airlines (VNA).

Các biện pháp tiết kiệm, sử dụng hiệu quả chi phí đã giúp tổng chi phí giảm 17,6% so với kế hoạch, góp phần bảo đảm ổn định hoạt động vận tải hàng không tại Việt Nam. Theo đại diện của VNA, cuối năm 2011, JPA đứng ngấp nghé bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế lên tới trên 2.400 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, JPA có 7 máy bay với độ tuổi trung bình là 14,7 năm. Việc thua lỗ kéo dài, thậm chí không có đủ khả năng trả tiền nhiên liệu bay khiến Chính phủ đã tính đến phương án “giải tán” để cắt lỗ và giảm gánh nợ thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sáp nhập và nhấn mạnh đây là phương án khả thi nhất nhằm cứu JPA trước bờ vực phá sản.
Để vực JPA dậy, Chính phủ đã giao VNA tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại JPA, khi đó do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn chủ sở hữu. Theo VNA, việc Chính phủ giao JPA về VNA thực chất vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng phù hợp với chiến lược phát triển của Vietnam Airlines. Sau khi chuyển về VNA, thông qua các đợt tăng vốn điều lệ cho JPA theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas (Australia), VNA đã từng bước thực hiện tái cơ cấu toàn diện hãng hàng không này. Trong đó tập trung trẻ hóa đội bay thông qua việc trả trước hạn toàn bộ máy bay 5 chiếc B737-400 cũ đang khai thác để thay thế sang A320 đem lại hiệu suất cao hơn. Thông qua những bước đi chiến lược này giúp JPA từng bước giảm lỗ, hoạt động có lãi nhẹ 8,4 tỉ đồng vào năm 2014; năm 2015 lãi trên 112 tỉ đồng.

Tiếp đến, khoản lỗ 2.400 tỉ đồng khi tiếp nhận JPA đã được VNA giải quyết theo từng năm, có sự ghi nhận của các đơn vị kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước. Tính đến cuối năm 2018, quy mô JPA đã được mở rộng hơn với đội bay gồm 15 chiếc A320 (có 150-180 ghế), tuổi trung bình 5,05 tuổi. Hiện Jetstar Pacific đang có mạng bay nội địa phủ kín hầu hết các thành phố, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế, kết nối với mạng bay của Vietnam Airlines Group, Jetstar Group và Hãng hàng không 5 sao Emirates đến trên 85 điểm đến 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cơ cấu lại để tăng tốc

Sau quá trình tái cơ cấu 2016, JPA đã xây dựng kế hoạch tăng vốn để phát triển. Nhưng do Bộ GTVT chờ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hoàn thiện bộ máy cơ cấu. Sau hơn 10 năm thành lập, hiện JPA đang tiến hành tái cơ cấu lần thứ 3.

Theo đó, phía Qantas đang xúc tiến đến phương án bàn giao lại 30% số cổ phần mà hãng đã mua lại của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ năm 2007 cho Vietnam Airlines mà không kèm theo điều kiện về thu hồi phần vốn góp sau 13 năm. Điều kiện đang được bàn tới là việc rút lui của Qantas sẽ diễn ra nhanh chóng ngay từ 30.6.2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiên tại hai bên vẫn chưa có được sự thống nhất cuối cùng về thời hạn chuyển giao nên tiếp tục bàn. Phía Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tục có những cuộc họp trước khi thống nhất trình phương án tiếp nhận lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC).

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của JPA cho biết, đây là một trong những phương án của JPA trong quá trình phát triển. Mỗi hãng hàng không đều có phương án phát triển sản xuất kinh doanh tốt nhất. Do đó, việc JPA đưa ra những phương án để phát triển là hoạt động bình thường của mỗi doanh nghiệp, trong ngành Hàng không cũng đã có nhiều thương vụ chuyển nhượng để thành lập hãng hàng không lớn hơn.

Jetstar Pacific được thành lập và đi vào hoạt động theo các Quyết định số 116/CT ngày 13.4.1991 và số 188/CT ngày 15.6.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đây là hãng hàng không không thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên được thành lập tại Việt Nam sau khi luật được sửa đổi cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không trong nước.

Các cổ đông ban đầu gồm 7 doanh nghiệp số vốn 40 tỉ đồng, trong đó Cục hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên đã chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, 13,06%) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico 0,45%).

Năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của VNA và từ năm 1996, là thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Corporation).

Tháng 8.2006, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, cổ phần của nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển sang cho SCIC điều hành.

Ngày 26.4.2007, tập đoàn Qantas (Australia) đã ký kết Hợp đồng đầu tư với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược.

Đến cuối năm 2011, Jestar Pacific chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam và đa số cổ phiếu do 3 tập đoàn nắm là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) với 70%, Qantas Airways (Australia) với 27% cổ phần, và Saigon Tourist với 3%.

Ngày 21.2.2012, một lần nữa VNA trở thành cổ đông lớn nhất của Jestar Pacific khi tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần.

Ngày 1.1.2013, Jetstar Pacific chuyển sang khai thác hoàn toàn bằng đội bay mới Airbus A320 – 180 ghế đồng hạng phổ thông. Các cổ đông của Jetstar Pacific cũng công bố kế hoạch phát triển đội máy bay lên 15 chiếc trong những năm tiếp theo.

Năm 2015, JPA mở thêm 14 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay khai thác lên 34 đường bay nội địa và quốc tế.

Ngày 28-29.10.2015, Vietnam Airlines, Tập đoàn Hàng không Qantas Group (Australia) và Jetstar Group – Công ty con của Qantas Group, đã đánh giá kế hoạch tái cơ cấu tích cực Jetstar Pacific, bắt đầu kinh doanh có lãi và mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của Jetstar Pacific…

TRANG KHANH
Laodong.vn

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *