Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Những điều cần biết về ghế máy bay hạng thương gia

Những điều cần biết về ghế máy bay hạng thương gia

Blog thumbnail

Không phải ghế hạng thương gia nào cũng như nhau. Và “hạng C” chỉ là cách gọi phổ biến của hạng thương gia. Thực tế có nhiều mức giá khác nhau trong cùng sản phẩm này.

Ghế êm khi bay xa

Thời đi máy bay còn là chuyện hiếm, chỉ có dân nhà giàu Bắc Mỹ và châu Âu được trải nghiệm bay qua lại Đại Tây Dương, trên mọi máy bay chỉ có duy nhất một hạng ghế, đó là hạng nhất. Qua đến những năm 70 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện 2 hạng rõ ràng: hạng nhất và hạng phổ thông.

Sau đó lại có thêm hạng thương gia, chủ yếu phục vụ giới doanh nhân lữ hành luôn phải rày đây mai đó để tiến hành các thương vụ. Rồi từ khoảng 15 năm trở lại đây đã phát sinh thêm hạng phổ thông đặc biệt hoặc phổ thông cao cấp (tạm dịch từ premium economy, deluxe economy hoặc economy max – tùy từng hãng đặt tên bán hàng).

Nhưng bay liền một mạch từ 6 – 15 tiếng và nhiều hơn nữa (chẳng hạn như giữa tháng 9 tới Cathay Pacific sẽ khai trương đường bay thẳng từ Hồng Kông đến New York-JFK, kéo dài 17 tiếng bằng máy bay A350-1000 và đến tháng 10 Singapore Airlines tái khai thác đường bay thẳng Singapore – Newark dài 19 tiếng bằng máy bay A350-900 ULR) thì bay hạng thương gia (từ phổ biến là hạng C, phân biệt với hạng phổ thông bình thường nhất là hạng Y) là tốt nhất.

Bay với vé hạng thương gia (trung bình đắt gấp 3 lần vé hạng phổ thông), bạn được nhiều ưu đãi, từ cái ghế có chức năng mát-xa lưng rồi biến thành giường, màn hình cá nhân to đến ly sâm banh và vang, món ăn nóng thơm ngon, 40kg hành lý miễn cước… Chưa kể được ưu tiên làm thủ tục ở quầy riêng, hưởng nhàn trong phòng chờ khang trang…

Trưa ngày 28/5, chuyến bay TG971 của Thai Airways International nhận khách, chuẩn bị cho hành trình bay gần 11 tiếng từ Zurich về Bangkok. Đầu mùa hè, chuyến bay đầy khách 100% nên dù có thẻ hành khách bay thường xuyên Royal Orchid nhưng tôi vẫn không thể lấy được ghế ngồi bên cửa sổ ở phía đầu mũi của chiếc Boeing 777-300ER, đành chấp nhận ghế cạnh lối đi bên phải.

Chưa an vị, tôi đã nhận thấy hành khách nam ở ghế bên trái của tôi có vẻ bồn chồn, cứ nhìn tôi rồi đưa mắt qua hành khách nữ ngồi ở ghế cạnh cửa sổ phía cánh trái máy bay. Tôi hỏi ngay: “Bạn có muốn đổi chỗ không?”. Ông ta mừng rỡ, gật đầu lia lịa. Thế là chúng tôi đổi cho nhau. Tôi vui vì được ngồi ghế cạnh cửa sổ bên trái, ông ta và vợ được ngồi ở hai ghế sát cạnh nhau. Tất nhiên, chúng tôi không quên báo cho tiếp viên trưởng biết rõ về sự đổi chỗ này.

Ghế “trăng mật” hay ghế “ly thân”?

Liệu cặp vợ chồng ấy có hân hoan không? Chưa chắc. Vì tuy mô hình ghế ở cabin hạng thương gia trên chiếc B777-300ER của THAI là 1 – 2 – 1 ghế/hàng nhưng do thiết kế đúng sơ đồ chỗ ngồi loại ghế Solstys của nhà sản xuất Stelia Aerospace, họ đã ngồi đúng phải cặp ghế “ly thân”.

Có nghĩa là cặp ghế có ngăn cách ở giữa bởi một cái bục to, muốn trò chuyện tâm tình thì phải khom mình sang một bên, lưng không còn chỗ dựa thư thái. Tiếc cho cặp vợ chồng ấy, nếu là khách đã nhiều lần bay hạng thương gia, khi booking vé, họ đã có thể yêu cầu giữ cặp ghế “trăng mật”, tức hai ghế ngồi sát nhau.

Đa phần du hành một mình nên tôi luôn yêu cầu ghế bên cửa sổ để có mấy thuận tiện sau: dễ dàng bước ra lối đi khi cần; có không gian riêng tư thực sự; có cửa sổ để chụp ảnh máy bay, trời mây…; tha hồ tán gẫu với chàng sommelier (nhân viên phục vụ rượu) sành vang hay cô nàng tiếp viên kiều diễm.

Nhưng rồi không phải bất cứ ghế nào bên cửa sổ cũng lý tưởng. Vì có hãng chuộng kiểu thiết kế ghế hơi “lạc hậu” là 2 – 2 – 2 hoặc 2 – 3 – 2. Có nghĩa là không phải hành khách hạng C nào cũng có lối đi và vẫn có hai hành khách bị “cô lập” bên cửa sổ, khi cần ra lối đi để vào buồng vệ sinh, họ phải bước qua bụng, qua chân của khách ngồi cạnh.

Chưa hết, mỗi ghế hạng C cũng chẳng chất lượng như nhau, vì có ghế loại “full-flat seat” khi ngả ra hết cỡ vẫn không thể cho bạn nằm dài, thẳng lưng, nửa đêm thấy đầu và thân mình tụt xuống dưới. Và có ghế loại “lie-flat seat” tức ghế ngả 180 độ, ngang bằng mặt sàn máy bay, bạn nằm thẳng lưng, thoải mái hơn. Ai thích chụp ảnh máy bay, trời mây sẽ không vui khi ngồi ghế cửa sổ nhưng tầm quan sát bị vướng vì có bục chắn áp cửa sổ.

Hiện có rất nhiều hãng sắp đặt cabin hạng thương gia rất hay với thiết kế 1 – 2 – 1 ghế mỗi hàng. Ghế cửa sổ là ghế dành cho doanh nhân lữ hành solo, hàng giữa thì đan xen cặp ghế “trăng mật” với cặp ghế “ly thân”. Đáng nể nhất, từ năm 2017 đã xuất hiện những không gian du hành hạng thương gia độc đáo, từ giường đôi trên các chiếc A380 mới của Singapore Airlines đến “phòng 4 ghế” hoặc “phòng 2 ghế – giường” gọi là Qsuites của Qatar Airways.

Lần tới khi bay trên các chiếc A350-900 và B787-9 của Vietnam Airlines, bạn hãy chú ý xem thiết kế ghế hạng thương gia ra sao? Một vài hình ảnh đăng kèm trong bài sẽ giúp các bạn thường xuyên phải bay xa nhận diện về các kiểu thiết kế ghế ở hạng thương gia của các hãng hàng không nổi tiếng thế giới hiện nay, để yêu cầu ghế như ý. Bởi vé hạng C đắt gấp hơn 3 lần vé hạng Y mà.

Doanhnhansaigon.vn

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *