Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được thành lập ngày 28/2/1977 theo Quyết định số 239/QĐ –TC, ngày 28 tháng 2 năm 1977 của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế, phục vụ cho công tác tái thiết đất nước sau chiến tranh và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực dân sự nằm ở phía Nam và khu vực quân sự nằm ở phía Bắc của đường cất hạ cánh, Cảng HKQT Nội Bài được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động 24/24 giờ.
Tổng quan về cảng hàng không quốc tế Nội Bài
Nhà ga hành khách:
- Nhà ga hành khách quốc nội (Nhà ga T1): 115.000m2, năng lực 15 triệu hành khách/năm.
- Nhà ga hành khách quốc tế (Nhà ga T2): 139.216m2, công suất phục vụ 10 triệu hành khách/năm (có thể mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm)
Cấp sân bay: 4E
Đường hạ cất cánh (Runway):
- 11L/29R (1A): dài 3.200m, rộng 45m
- 11R/29L (1B): dài 3.800m, rộng 45m
Sân đỗ tàu bay (Apron):
- Sân đỗ tàu bay T1: rộng khoảng 230.000m2 có 23 vị trí đỗ
- Sân đỗ tàu bay T2: rộng khoảng 280.000m2 có 24 vị trí đỗ
Giờ phục vụ: 24/24
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là sân bay của Thủ đô Hà Nội, có vị trí kinh tế, chính trị, địa lý hết sức quan trọng và thuận lợi, là điểm dừng chân lý tưởng trong mạng đường bay từ Châu Âu, Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Á – Thái Bình dương – vùng kinh tế đang phát triển đầy tiềm năng. Mặt khác về khí hậu, nằm trong khu vực có khí hậu khá ôn hòa của khu vực miền Bắc, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh đặc biệt hấp dẫn khách du lịch. Đây vừa là tiềm năng cần đầu tư khai thác, vừa là một lợi thế rất lớn trong cạnh tranh với các sân bay trong khu vực nhằm từng bước đầu tư, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thành một thương cảng, một trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ và công nhân viên đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình để xây dựng sân bay từng bước trưởng thành, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Từ một sân bay quân sự bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, với cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu đến một cảng hàng không hiện đại văn minh. Từ một nhà ga chỉ là một dãy nhà cấp 4 tạm bợ, trang thiết bị hết sức thô sơ cho đến Nhà ga hành khách T1, rồi T2 có dây truyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, hệ thống trang thiết bị đảm bảo phục vụ bay được đầu tư đồng bộ và ngày càng được hiện đại hóa, đủ năng lực phục vụ hàng triệu lượt khách /năm.
Từ khi ra đời đến nay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và xây dựng, phát triển ngành Hàng không. Mỗi bước trưởng thành của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài luôn gắn liền với mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam và gắn liền với sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.
NHÀ GA T1 SÂN BAY NỘI BÀI
Nhà ga hành khách T1 đã được thiết kế cải tạo tập trung quy hoạch lại mặt bằng khai thác, quy hoạch mặt bằng giao thông các khu vực dịch vụ nhằm đảm bảo dây chuyền khai thác hợp lý, phù hợp với đặc điểm nhà ga hành khách quốc nội, nâng công suất phục vụ lên 15 triệu khách/năm.
Tổng diện tích sàn 90.000 m2 với 4 cao trình và 1 tầng hầm.
Giao thông tiếp cận công trình phân luồng theo hai cao trình riêng biệt, đã ổn định và đảm bảo công suất khai thác. Dây chuyền công năng dự án sau khi cải tạo như sau:
- Tầng 1: Bao gồm sảnh đón cho hành khách đến, khu vực xử lý hành lý đến, khu trả hành lý.
- Tầng 2: Bao gồm sảnh cho hành khách đi, khu vực làm thủ tục check-in và phòng chờ cho khách làm thủ tục hàng không lên máy bay. Bổ sung 02 busgate, tăng số cửa ra tàu bay cho khách lên 12 cửa đảm bảo đủ năng lực khai thác giờ cao điểm.
- Tầng 3: Bao gồm các khu vực văn phòng được thiết kế tách biệt, có lối đi riêng tại hai cánh A, B; và khu phòng chờ, phòng khách VIP, khách CIP được bố trí tập trung tại khu D.
Với không gian thông thoáng, hệ thống các điểm trong dây chuyền làm thủ tục hàng không được quy hoạch một cách khoa học, hệ thống trang thiết bị đồng bộ, Nhà ga hành khách T1 sau khi sửa chữa đã nâng công suất phục vụ lên 15 triệu lượt khách/năm, sẽ là điểm đến hấp dẫn cho mọi hành khách qua Cảng HKQT Nội Bài, tương xứng với Nhà ga hành khách quốc tế T2, tạo một diện mạo chung cho Cảng HKQT Nội Bài: khang trang hơn, hiện đại hơn.
SƠ ĐỒ NHÀ GA SÂN BAY NỘI BÀI
Năng lực cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài
Hạ tầng Kỹ thuật khu bay, năng lực tiếp nhận khai thác
Được xây dựng từ một sân bay bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Cảng HKQT Nội Bài đã thay đổi toàn diện để trở thành một cảng hàng không hiện đại, là cửa ngõ giao thương quốc tế đặc biệt quan trọng của thủ đô Hà Nội với các nền kinh tế trên thế giới, trở thành sân bay đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO với 02 đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiêu chuẩn CAT II, đường lăn, sân đỗ đủ năng lực tiếp thu các loại máy bay thân lớn, hiện đại như Airbus A380, Boing 787… trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
1. Đường cất hạ cánh (CHC):
Cảng HKQT Nội Bài có 02 đường CHC song song là 11L/29R và 11R/29L; tim cách nhau 250m, không sử dụng cho việc cất hạ cánh cùng một thời điểm.
1.1. Đường cất hạ cánh 11L/29R:
- Ký hiệu: 11L/29R
- Chiều dài: 3.200m
- Chiều rộng: 45m
- Loại mặt đường: Bê tông nhựa Polymer có sức chịu tải PCN=62/R/B/X/T
- Các cự ly công bố:
- Đoạn chạy lấy đà (TORA): 3.200m;
- Cự ly có thể cất cánh (TODA): 3.600m;
- Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA): 3.300m;
- Cự ly có thể hạ cánh (LDA): 3.200m.
- Dải bảo hiểm: 4.000m x 300m
- Đoạn dừng: 100m x 60m
- Kích thước khoảng trống: 400m x 300m
- Lề đường cất hạ cánh: Độ rộng mỗi bên 7,50 m
1.2. Đường cất hạ cánh 11R/29L:
- Ký hiệu: 11R – 29L
- Hướng từ: 107º – 287º
- Chiều dài: 3.800m
- Chiều rộng: 45m
- Loại mặt đường: Bê tông xi măng có sức chịu tải: PCN 60/R/B/W/T
- Các cự ly công bố:
- Đoạn chạy lấy đà (TORA): 3.800m;
- Cự ly có thể cất cánh (TODA): 4.100m;
- Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA): 3.900m;
- Cự ly có thể hạ cánh (LDA): 3.800m;
- Dải bảo hiểm: 4.400m x 300m
- Đoạn dừng: 100m x 60m
- Kích thước khoảng trống: 300m x 300m
- Lề đường cất hạ cánh: Độ rộng mỗi bên 7,50m
2. Đường lăn:
Cảng HKQT Nội Bài có hai hệ thống đường lăn nằm ở hai bên sườn của đường cất hạ cánh 11L/29R (phía Bắc) và 11R/29L (phía Nam).
2.1. Hệ thống đường lăn phía Bắc đường CHC 11L/29R (dùng cho quân sự):
Gồm 01 đường lăn chính và các đường lăn nhánh. Đường lăn chính chạy song song với đường CHC 11L/29R, cách mép đường CHC 212m, có kích thước 2.800m x 14m, mặt phủ bê tông nhựa Polymer; sức chịu tải: PCN = 54/R/C/W/U. Đường lăn chính được nối liền với đường CHC 11L/29R bằng 05 đường lăn vuông góc, mặt phủ bê tông nhựa Polymer, sức chịu tải: PCN = 54/R/C/W/U, đánh số thứ tự từ N1 đến N5 theo hướng từ Tây sang Đông.
2.2. Hệ thống đường lăn phía Nam đường CHC 11L/29R (dùng cho hàng không dân dụng):
Chạy song song với đường CHC 11R/29L gọi là đường lăn S1: Kích thước: 3.900m x 23m, lề có kích thước 2 x 10,5m, sức chịu tải PCN = 60/R/C/W/U. Trong đó có 136,5m tính từ lề đường CHC 11L/29R tới lề đường CHC 11R/29L có bề mặt phủ bê tông nhựa Polymer, đoạn 3.763,5m còn lại là bê tông xi măng.
Đường lăn S1 được nối với các đường CHC bằng các đường lăn chính sau:
- Đường lăn S2: Kích thước: 399,5m x 23m, lề có kích thước 2 x 10,5m, sức chịu tải PCN = 54/R/C/W/U. Trong đó có 136,5m tính từ lề đường CHC 11L/29R tới lề đường CHC 11R/29L có bề mặt phủ bê tông nhựa Polymer, đoạn 263m còn lại là bê tông xi măng.
- Đường lăn S3: Kích thước: 400m x 27m, lề có kích thước 2 x12,6m, sức chịu tải PCN = 54/R/C/W/U. Trong đó có 230m tính từ lề đường CHC 11L/29R tới lề đường CHC 11R/29L có bề mặt phủ bê tông nhựa Polymer, đoạn 170m còn lại là bê tông xi măng.
- Đường lăn S4: Kích thước: 148,5m x 27m, lề có kích thước 2m x 12,6m, sức chịu tải PCN = 60-70/R/C/W/U. Bề mặt bê tông xi măng.
- Đường lăn S5: Kích thước: 400m x 27m, lề kích thước 2 x 12,6m, sức chịu tải PCN = 60-70/R/C/W/U. Trong đó 230m tính từ lề đường CHC 11L/29R tới lề đường CHC 11R/29L có bề mặt phủ bê tông nhựa Polymer, đoạn 170m còn lại là bê tông xi măng.
- Đường lăn S6: Kích thước 148,5m x 23m, lề có kích thước 2m x 10,5m, sức chịu tải PCN = 54/R/C/W/U. Bề mặt bê tông xi măng.
- Đường lăn S7: Kích thước: 399,5m x 23m, lề có kích thước 2 x 10,5m, sức chịu tải PCN = 54/R/C/W/U. Trong đó có 136,5m tính từ lề đường CHC 11L/29R tới lề đường CHC 11R/29L có bề mặt phủ bê tông nhựa Polymer, đoạn 263m còn lại là bê tông xi măng.
3. Sân đỗ tàu bay:
Cảng HKQT Nội Bài hiện đang khai thác thường lệ 47 vị trí đỗ tàu bay tại 02 khu vực là Sân đỗ tàu bay T1 và Sân đỗ tàu bay T2, gồm:
- Có 07 vị trí đỗ gồm các vị trí số: 1, 2, 3, 4, 25, 28, 53 sử dụng cho các loại tàu bay ATR72, F70 và tương đương (sải cánh tối đa 28,1m)
- Có 07 vị trí đỗ gồm các vị trí số: 5, 7, 8, 10, 18, 23, 24 sử dụng cho các loại tàu bay A321 và tương đương (sải cánh tối đa 35,8m)
- Có 01 vị trí đỗ số 22 sử dụng cho các loại tàu bay B767-300 và tương đương (sải cánh tối đa 47,57m)
- Có 01 vị trí đỗ số 11 sử dụng cho các loại tàu bay B767-400 và tương đương (sải cánh tối đa 52,0m)
- Có 22 vị trí đỗ gồm các vị trí số: 12, 14, 15, 16, 17, 19, 20, 21, 30, 31, 32, 34, 37, 39, 40, 41, 42, 44, 47, 49, 50, 52 sử dụng cho các loại tàu bay B777-300, B747-400 và tương đương (sải cánh tối đa 64,9m)
- Có 02 vị trí đỗ gồm các vị trí đỗ số: 6, 9 sử dụng cho các loại tàu bay B777-300, B747-400, B747-8F và tương đương (sải cánh tối đa 68,4m)
- Có 02 vị trí đỗ gồm các vị trí số: 29, 51 sử dụng cho các loại tàu bay B777-300, B747-400, B747-8F, A380 và tương đương (sải cánh tối đa 80m)
- Các vị trí đỗ số 26, 26A (không sử dụng cùng một thời điểm) có thể đỗ được các loại từ tàu bay nhỏ như ATR72 đến các loại tàu bay thân lớn như B777-300, B747-400, B747-8F (sải cánh tối đa 68,4) (tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của vị trí đỗ liền kề).
Hạ tầng kỹ thuật nhà ga hành khách và công suất hoạt động
Nhà ga hành khách quốc nội (T1):
Nhà ga hành khách quốc nội (T1) được đưa vào hoạt động từ tháng 10 năm 2001 với thiết kế ban đầu gồm 04 khu vực: Sảnh A, Sảnh B, Sảnh C, Sảnh D với tổng diện tích mặt bằng 90.000 m2, công suất phục vụ 6 triệu hành khách/năm. Cuối năm 2013, sảnh E (phần mở rộng của nhà ga hành khách T1) được đưa vào sử dụng, nâng tổng diện tích mặt bằng lên 115.000 m2 và công suất phục vụ là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên tại thời điểm đó Cảng HKQT Nội Bài đã phục vụ 12.825.784 hành khách, vượt 42% so với tổng công suất thiết kế.
Kể từ ngày 31/12/2014 Nhà ga hành khách T1 chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa (toàn bộ các chuyến bay quốc tế được chuyển sang khai thác tại Nhà ga hành khách T2).
- Quầy Thủ tục: 98 quầy thủ tục check-in được bố trí tại các sảnh A, B, E, ngoài ra còn có 4 quầy làm thủ tục check-in cho hành khách không có hành lý ký gửi.
- Băng tải trả hành lý: có 08 băng tải trả hành lý cho hành khách đến, tại các sảnh A (03 băng tải), sảnh B (03 băng tải), sảnh E (02 băng tải).
- Hệ thống hiển thị thông tin chuyến bay: 210 màn hình được trang bị tại tất cả các vị trí cần thiết như sảnh công cộng, quầy check-in, phòng chờ, cửa ra tàu bay, băng trả hành lý…
- Cửa ra tàu bay: 19 cửa ra tàu bay (boarding gate) gồm các cửa số: 1, 2, 2A, 3, 3A, 4, 5, 6, 7, 8, 8A, 9, 9A, 10, 11, 12, 13, 14, 15.
- Quầy thông tin nhà ga: 02 quầy thông tin được bố trí tại tầng 1, khu trung tâm – tiếp giáp với cầu thang máy của nhà ga T1 và tầng 2 sảnh E.
- Phòng y tế: 02 phòng y tế được bố trí tại tầng 1 sảnh A và tầng lửng, sảnh E.
- Quầy hành lý thất lạc: 04 quầy hành lý thất lạc, trong đó 02 quầy được bố trí tại tầng 1 sảnh A, B và 02 quầy tại tầng 1 sảnh E.
- Ngoài ra còn có các quầy cung cấp dịch vụ: thông tin du lịch, bưu điện, sách báo, điều hành taxi, các cửa hàng ăn uống, bách hóa…
- Bên ngoài Nhà ga T1 gồm: 23 vị trí đỗ tàu bay trong đó 07 vị trí đỗ có sử dụng cầu hành khách (gồm các vị trí đỗ số 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21) và 16 vị trí đỗ không sử dụng cầu hành khách.
- Sân đỗ ô tô : với diện tích 17.000 m2, sân đỗ có sức chứa tối đa 373 xe ô tô các loại từ 04 – 45 chỗ ngồi vào giờ cao điểm. Hiện tại Nhà ga T1 đang được các đơn vị chức năng nghiên cứu, lập dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực, cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu bay qua Cảng HKQT Nội Bài.
Nhà ga hành khách quốc tế (T2):
Nhà ga hành khách T2 được đưa vào khai thác chính thức từ ngày 25/12/2014. Nhà ga được thiết kế 4 tầng (không kể tầng hầm) theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng với chiều dài 980 m, chiều cao 29 m, tổng diện tích mặt bằng 139.216 m2, công suất phục vụ 10 triệu hành khách/năm (có thể mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm).
Nhà ga hành khách T2 được trang bị đầy đủ hệ thống kỹ thuật hàng không chuyên dụng hiện đại, tiên tiến: Hệ thống xử lý hành lý (BHS) gồm phòng điểu khiển Trung tâm và 04 hệ thống con; Hệ thống an ninh sân bay (ASS) có 5 cấp độ soi chiếu, bao gồm cả cấp độ tự động dò tìm, phát hiện chất nổ; Hệ thống cầu hành khách (PBB) gồm 14 cầu kết nối với các hệ thống: dẫn đỗ tầu bay VDGS, quản lý tòa nhà BMS, thông tin chuyến bay FIDS.
Tại mỗi cầu hành khách gồm 2 ống lồng và các thiết bị cung cấp dịch vụ đồng bộ cho tàu bay GPU, PCA, PWS; 18 thiết bị dẫn đỗ tầu bay tự động và 22 bảng vị trí đỗ tàu bay (ASIS); 283 màn hình hiển thị thông tin chuyến bay được trang bị tại tất cả các vị trí cần thiết như sảnh công cộng, quầy check-in, phòng chờ, cửa ra tàu bay, băng trả hành lý; 96 quầy làm thủ tục hàng không và 10 Kios Check-in cho hành khách đi tự làm thủ tục; Hệ thống đồng hồ chủ được lắp đặt thiết bị nhận tín hiệu GPS để đồng bộ tín hiệu thời gian từ vệ tinh cho các bộ định thời gian, đảm bảo cập nhật thời gian chính xác, đồng bộ với các sân bay trên toàn cầu.
Hệ thống Camera giám sát (CCTV) được kết nối với hệ thống cửa điện từ ACS; Hệ thống phát thanh (PAS) gồm 41 vùng thông báo, được trang bị microphone cảm biến độ ồn và tự hiệu chỉnh cường độ âm thanh; Hệ thống truyền hình công cộng (PTVIS) có khả năng phát hình các chương trình khác nhau tại các khu vực khác nhau và có khả năng phát hình đan xen nhiều nội dung từ nhiều nguồn chương trình theo một lịch trình tự cài đặt sẵn; Hệ thống cửa kiểm soát (ACS) được bố trí tại các lối đi phân chia ranh giới giữa các phân khu an ninh khác nhau, giám sát quyền vào/ra cửa kiểm soát bằng cách đọc, nhận dạng thẻ từ cảm ứng đã được cấp phát; Hệ thống internet không dây có thể đáp ứng tới 32768 người sử dụng cùng lúc; 22 thang bộ hành trợ giúp di chuyển cho hành khách, nhân viên và vận chuyển hàng hoá dọc theo hai cánh dài của nhà ga; Hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm (Các hố van được lắp đặt ngầm trên sân đỗ, xe truyền tiếp nhiên liệu sẽ kết nối từ hố van tra nạp lên cánh tàu bay).
- Tầng 1: Dành cho hành khách đến quốc tế, diện tích 40.832,60m². Hai bên cánh gồm khu vực văn phòng và khu vực kỹ thuật nhà ga; Khu vực trung tâm gồm khu vực miễn thuế đến, khu vực sảnh đón khách quốc tế đến, khu vực trả hành lý khách đến, khu vực đảo hành lý khách đi, kho hành lý thất lạc, phòng kỹ thuật, khu vực đợi ra xe bus, khu vực dịch vụ, phòng nhân viên, các khu vệ sinh, giao thông, các quầy thông tin, quầy vé, các cửa hàng.
- Tầng 2: Dành cho hành khách đi (nối chuyến) và đến quốc tế, diện tích 36.928,90m². Hai bên cánh gồm khu vực văn phòng ở phía Nam, khu vực cách ly ở phía Bắc; Khu vực trung tâm gồm khu làm thủ tục nối chuyến quốc tế, khu làm thủ tục nhập cảnh, khu vực công cộng bao gồm các nhà hàng, các cửa hàng…
- Tầng 3: Dành cho hành khách đi quốc tế, diện tích 36.928,90m². Hai bên cánh gồm khu vực phòng chờ cách ly quốc tế đi ; Khu vực trung tâm gồm khu vực thương mại dịch vụ, khu vực làm thủ tục check-in, kiểm tra an ninh, hải quan, xuất cảnh…
- Tầng 4: Phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại, diện tích 11.164,40m². Khu vực văn phòng, các phòng VIP và khu vực thương mại dịch vụ.
- Khu vực bãi đỗ xe gồm 4 loại: Bãi đỗ xe dành cho hành khách, Bãi đỗ xe dành cho nhân viên, Bãi xe buýt và Bãi xe taxi.
Công suất phục vụ ngày cao điểm đáp ứng phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Nhà ga được thiết kế theo tuyến tính với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng; hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Quầy Thủ tục: 96 quầy thủ tục check-in được bố trí tại 08 đảo A/B, C/D, E/F, G/H. Ngoài ra còn có 10 ki-ôt check-in cho hành khách tự làm thủ tục.
- Băng tải hành lý: có 06 băng tải trả hành lý cho khách, được đánh số từ 01 đến 06 – Quầy thông tin nhà ga: 02 quầy tại tầng 1 và tầng 3
- Quầy thủ tục hải quan: thủ tục hải quan đi 08 quầy; thủ tục hải quan đến 06 quầy
- Quầy thủ tục Công an cửa khẩu: thủ tục xuất cảnh (đi) 44 quầy, thủ tục nhập cảnh (đến) 44 quầy.
- Hệ thống hiển thị thông tin chuyến bay: 283 màn hình được trang bị tại tất cả các vị trí cần thiết như sảnh công cộng, quầy check-in, phòng chờ, cửa ra tàu bay, băng trả hành lý…
- Hệ thống thang nâng, thang cuốn, thang bộ hành được bố trí hợp lý, phục vụ việc di chuyển giữa các tầng, các khu vực trong nhà ga; giữa sân đỗ ô tô với nhà ga hành khách, đặc biệt là người tàn tật, người già, trẻ em.
- Phòng y tế: 03 phòng y tế; 02 tại tầng 3, 01 tại tầng 1
- Quầy hành lý thất lạc: 02 quầy tại tầng 1
- Ngoài ra còn có các quầy cung cấp dịch vụ: hoàn thuế GTGT, thông tin du lịch, bưu điện, sách báo, điều hành taxi…
- Các cửa hàng miễn thuế và các cửa hàng ăn và đồ uống, kết nối internet miễn phí trong nhà ga.
- Cửa ra tàu bay: 17 cửa (theo thứ tự từ 20 đến 36) trong đó 14 cửa sử dụng cầu hành khách (từ số 20 đến số 24, từ số 28 đến số 36) và 03 cửa boarding bằng xe bus cho tàu bay không cập cầu hành khách (số 25, 26, 27).
- Bên ngoài Nhà ga T2 gồm: 24 vị trí đỗ tàu bay trong đó 14 vị trí đỗ có sử dụng cầu hành khách và 10 vị trí đỗ không sử dụng cầu hành khách (gồm các vị trí đỗ số 25, 26 (26 và 26A), 27 (27, 27A và 27B), 28, 29, 52 và 53);
- Hệ thống dẫn đỗ tàu bay: gồm 18 bộ thiết bị dẫn đỗ tàu bay tự động và 22 bảng vị trí đỗ tàu bay;
- Phương thức nạp nhiên liệu: tàu bay tại nhà ga T2 được tra nạp nhiên liệu thông qua hệ thống tra nạp ngầm. Các hố van được lắp đặt ngầm trên sân đỗ. Xe truyền tiếp nhiên liệu sẽ kết nối từ hố van tra nạp lên cánh tàu bay.
- Sân đỗ ô tô : với diện tích 33.000 m2, sân đỗ có sức chứa tối đa 888 xe ô tô các loại từ 04 – 45 chỗ ngồi vào giờ cao điểm (không tính phần sân đỗ phía Nam dành cho xe taxi).
Nhà ga hàng hóa, năng lực phục vụ Logistics
Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng diện tích 44.000m2, công suất phục vụ theo thiết kế là 203.000 tấn hàng hóa/năm. Thời gian những năm gần đây, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm.
Hiện tại có nhiều hãng chuyên chở hàng hóa lớn, thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng hóa tại Cảng HKQT Nội Bài như: Cargolux, FedEx, Emirates Cargo, Korean Air Cargo, China Airlines Cargo…
Những điều cần biết khi đến sân bay Nội Bài
Sơ đồ kết nối giao thông sân bay Nội Bài
Hướng dẫn các vị trí đỗ xe ô tô tại sân bay Nội Bài