Cảng hàng không Liên Khương (tên giao dịch quốc tế: Lien Khuong Airport; code ICAO: VVDL; code IATA: DLI) nằm ở tọa độ 11° 45’15” vĩ bắc và 106°25’09” kinh đông, thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28km về phía Bắc và trung tâm thị trấn Liên Nghĩa 4km về phía Nam.
Cảng hàng không Liên Khương tiếp giáp phía Bắc với quốc lộ 27 đi Đắc Lắc, phía Đông bắc giáp quốc lộ 22 đi thành phố Đà Lạt, phía Tây và Nam giáp với đồi núi và thung lũng trống. Cao độ cảng hàng không Liên Khương là 962m so với mặt nước biển.
Khoảng cách theo đường chim bay từ cảng hàng không Liên Khương đến một số cảng hàng không khác là:
- Liên Khương – Tân Sơn Nhất : 214 km
- Liên Khương – Hà Nội : 968km
Cảng Hàng không Liên Khương là đầu mối giao thông đường hàng không quan trọng đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố Đà Lạt, một trong những trung tâm du lịch dã ngoại hấp dẫn của Việt nam. Thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế, đồng thời Đà Lạt còn là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng, là trung tâm huấn luyện thể dục thể thao, hội nghị hội thảo và trung tâm Rau – Hoa của quốc gia. Sự phát triển về kinh tế, xã hội của Đà Lạt – Lâm Đồng có một vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực phía Nam Tây Nguyên nói chung.
Quá trình hình thành
Cảng hàng không Liên Khương được người Pháp xây dựng từ năm 1933 với một đường hạ cất cánh (HCC ) bằng đất dài 700 mét .
Những năm 1956 – 1960 người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương với cơ sở hạ tầng khá hòan chỉnh, trong đó nhà ga được thiết kế theo kiến trúc Pháp, loại nhà 3 tầng, cấp I. Công suất 50.000 hành khách/năm, khoảng 120 hành khách/giờ cao điểm.
Những năm 1964 – 1972 toàn bộ hệ thống đường HCC, sân đậu, đường giao thông được tiếp tục nâng cấp, phủ bê tông nhựa dày từ 8 – 10cm.Cụ thể đường HCC dài 1.480m, rộng 37m, sân đỗ máy bay 23.100m2, sân đỗ ô tô 2.106m2, đường ô tô 2100m
Từ sau 30/4/1975 đến năm 1980 cảng hàng không Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành. Chủ yếu phục vụ cán bộ lãnh đạo đi công tác và vận chuyển dân đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng từ các tỉnh phía Bắc
Từ năm 1981-1985 cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay T.p Hồ Chí Minh – Liên Khương với tần suất 01 chuyến/tuần bằng máy bay AK.40.Tuy nhiên, sau đó đường bay tạm ngưng hoạt động do lượng khách ít.
Từ năm 1992 cảng hàng không Liên Khương triển khai họat động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Liên Khương , thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương – Huế và ngược lại, lọai máy bay sử dụng là AK40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.
Từ tháng 10 năm 2004 phục vụ thêm đường bay Liên Khương – Hà Nội và ngược lại bằng máy bay Fokker 72.
Cơ sở hạ tầng
Cảng hàng không Liên Khương có một đường hạ cất cánh dài 2.350 mét, rộng 37 mét; Một đường lăn dài 94mét, rộng 19mét; Sân đậu máy bay có diện tích 23.100m2 với 5 vị trí đậu cho máy bay ATR 72 và Fokker 70; Sân đậu ôtô có diện tích 1.478m2. Nhà ga hành khách có diện tích 1.000m2. Trang thiết bị phục vụ mặt đất có xe Nạp điện tàu bay, xe chở khách, xe chở hàng, xe cứu thương, xe cứu hỏa.
Ngày 2/9/2003 khởi công dự án “ Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay- cảng hàng không Liên Khương” do Cụm cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư, quy mô sau khi hoàn thành đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A.320, A.321 và tương đương, cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Năng lực phục vụ
Cảng hàng không Liên Khương đảm bảo phục vụ an toàn các loại tàu bay ATR-72, Fokker 70 và tương đương.
Trong giai đoạn từ 1994-2003, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ an toàn 6255 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 263.175 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 2071 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.
Năm 2004, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ an toàn 898 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 49.226 lượt hành khách đi đến và vận chuyền 474 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.
Năm 2005, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ an toàn 1162 lần chuyến cất hạ cánh – tăng 29,39% so với năm trước, phục vụ 73.872 lượt hành khách đi đến – tăng 50,06% so với năm trước và vận chuyền 746 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện – tăng 24,64% so với năm trước.
Bốn tháng đầu năm 2006, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ an toàn 390 lần chuyến cất hạ cánh – đạt 32.5% kế hoạch năm, phục vụ 26.356 lượt hành khách đi đến – đạt 32,45% kế hoạch năm và vận chuyển 291.085 kg hàng hóa, hành lý, bưu kiện – đạt 35,45% kế hoạch năm.
Hiện nay, hàng ngày đều có 1 chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Liên Khương – ngược lại; Tuyến Liên Khương – Hà Nội và ngược lại có 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu và Chủ Nhật bằng máy bay Fokker 70.
Định hướng phát triển
Xác định rõ Cảng hàng không Liên Khương có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, chính trị của Lâm Đồng cũng như của cả khu vực Phía Nam Tây Nguyên nên Cục hàng không Việt Nam, Cụm cảng hàng không miền Nam đã triển khai đầu tư Dự án xây dựng mới đường hạ cất cánh dài 3.250m, rộng 45m, cải tạo đường hạ cất cánh hiện hữu thành đường lăn, sân đậu máy bay có sức chứa 6-8 máy bay loại tầm trung để phục vụ các loại máy bay B.767, A.320, A.321.Dự kiến một phần công trình sẽ được đưa vào khai thác trong quý 3 năm 2006.
Để đồng bộ cơ sở hạ tầng cảng hàng không Liên Khương, hiện nay Cụm cảng hàng không miền Nam cũng đang khẩn trương triển khai Dự án xây dựng nhà ga hành khách mới tại đây dự kiến được bố trí thành 2 cao trình tách biệt, phục vụ cả hành khách quốc tế và quốc nội. Ga quốc tế và quốc nội nằm về 2 cánh của nhà ga, có tổng diện tích là 12.330m2 để đảm bảo đến năm 2015, Cảng hàng không Liên Khương đáp ứng phục vụ 414 hành khách quốc nội và 306 hành khách quốc tế giờ cao điểm, tương đương với công suất 943.301 hành khách/năm.