Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Cảng hàng không Cà Mau – Sân bay Cà Mau (CAH)

Cảng hàng không Cà Mau – Sân bay Cà Mau (CAH)

Blog thumbnail

Cảng hàng không Cà Mau (tên giao dịch quốc tế: Ca Mau Airport; code ICAO: VVCM; code IATA: CAH) nằm ở phía đông thành phố Cà Mau, cách trung tâm thành phố 3km và gần như song song với quốc lộ 1A. Phía Đông và phía Bắc Cảng hàng không là ruộng lúa, ao hồ, phía Nam giáp vùng dân cư của thành phố.

Từ Cảng hàng không Cà Mau đi Tân Sơn Nhất là 224km, đi Cảng hàng không Phú Quốc là 175km, đi Cảng hàng không Cần Thơ là 116km, đi Cảng hàng không Rạch Giá là 86km.

Cảng hàng không Cà Mau nằm ở 105°10’46” kinh độ Đông và 09°10’32” vĩ độ Bắc.

Nằm ở vị trí trung tâm bán đảo Cà Mau, Cảng hàng không Cà Mau giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực, góp phần đưa thành phố Cà Mau vươn lên đô thị loại 2, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh lân cận.

Thông tin chung Cảng hàng không Cà Mau

Tên tiếng Anh: Ca Mau Airport (CMA)

Địa chỉ: Số 93, đường Lý Thường Kiệt, phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: (0290) 3833 855, di động: 0913 498800, 0903700465

Fax: (0290) 3830 128;

E-mail: ptlam@vietnamairport.vn

AFS: VVCMYDYX

SITA: SGNAAXH

Mã cảng hàng không (SITA code): CAH

Nhà ga hành khách: diện tích 2.233 m2

Đường hạ cất cánh (Runway): 1 đường cất hạ cánh với chiều dài là 1500m; rộng 30m.

Sân đỗ tàu bay (Apron): Diện tích 7.200 m2

Năng lực: đáp ứng năng lực phục vụ hai chuyến bay ATR72 giờ cao điểm.

Giờ phục vụ: 12/24h.

Cơ sở hạ tầng Cảng hàng không – sân bay Cà Mau

Cơ sở hạ tầng bao gồm:

Đường cất hạ cánh (CHC):

Cảng Hàng không Cà Mau có 01 đường cất hạ cánh là 09/27, không sử dụng cho việc cất, hạ cánh cùng một thời điểm.

  • Hướng từ: 092° – 272°
  • Ký hiệu: 09/27
  • Cấp sân bay: 3C
  • Chiều dài: 1500m
  • Chiều rộng: 30m
  • Độ dốc trung bình: Độ dốc dọc trung bình: 0,017%; Độ dốc ngang trung bình: 0,8%.
  • Tọa độ ngưỡng theo WGS-84:
    • Đầu 09: 09°10’39.432”N-105°10’15.655”E
    • Đầu 27: 09°10’38.117”N-105°11’04.808”E.
  • Loại mặt đường: Bêtông nhựa có sức chịu tải PCN = 16/F/C/Y/T
  • Các cự ly công bố:
    • Đọan chạy lấy đà (TORA) đầu 09/27: 1500m/1500m;
    • Cự ly có thể cất cánh (TODA) đầu 09/27: 1590m/1590m;
    • Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA) đầu 09/27: 1500m/1530m
    • Cự ly có thể hạ cánh (LDA) đầu 09/27: 1500m/1500m
  • Dải bay( Dải hạ cất cánh): (1.500m+60m+90m) x 80m, bằng đất nện.
  • Khoảng trống: Không có.
  • Lề đường cất hạ cánh: không có
  • Dải bảo hiểm sườn: 1500m x 25m. Hai bên, bằng đất nện K0.95, phủ cỏ

Đường lăn:

Cảng hàng không Cà Mau có một đường lăn vuông góc với đường CHC, nối liền giữa đường CHC với sân đỗ máy bay và nhà ga. Đường lăn Cảng hàng không Cà Mau thông thoáng đáp ứng theo yêu cầu khuyến cáo của ICAO, các số liệu:

  • Kích thước: 80m x 14.5m
  • Bề phủ mặt bê tông nhựa.
  • Sức chịu tải: PCN=16/F/C/Y/T( có khả năng tiếp thu tàu bay ATR72 và tương đương trở xuống).

Sân đỗ tàu bay:

Cảng Hàng không Cà Mau có 1 sân đỗ với 02 vị trí đỗ theo nguyên tắc tự vận hành. Các số liệu:

  • Kích thước: 120m x 60m
  • Bề mặt phủ bê tông nhựa
  • Sức chịu tải của sân đỗ: PCN=16/F/C/Y/T
  • Không có vị trí đỗ dành riêng cho tàu bay chở hàng, các tàu bay chở hàng dùng chung sân đỗ với các tàu bay thương mại.
  • Trên sân đỗ có các neo đã được thiết kế sẵn nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu bay khi có bão, lốc xảy ra.

Nhà ga hành khách

Nhà ga hành khách CHK Cà Mau hoàn thành và khai thác tháng 5 năm 2004. Nhà ga có 02 tầng với tổng diện tích là 2.233m2. Được trang bị các thiết bị phục vụ khai thác hàng không và phi hàng không, bao gồm:

  • Cửa ra tàu bay(Boarding Gate): 02 cửa
  • Quầy Thủ tục (Check – in Counters): 04 quầy
  • Phòng VIP (VIP room): 01 phòng
  • Quầy hành lý thất lạc (Lost & Found Counters): 01quầy
  • Quầy thông tin nhà ga (Airport Infomation Counter): 01 quầy

Tầng 1:

Tầng 1 có diện tích 1485m2; Bao gồm Khu vực công cộng và Khu vực hạn chế: khu làm thủ tục vận chuyển hàng không; khu vực kiểm tra an ninh hàng không, khu vực cách ly đi; khu vực hành lý đi; khu vực nhà ga đến; phòng làm việc của cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không và các quầy dịch vụ phục vụ hành khách…phòng chờ của khách VIP.

Tầng 2:

Có diện tích 748m2; Tầng 2 là Khu phòng chờ cách ly dành cho hành khách đi máy bay, phòng dành cho tổ bay và phòng hút thuốc.

Kiểm soát an ninh tại sân bay Cà Mau

Hoạt động hàng không

Với tần suất bay 2 lần chuyến / ngày, từ năm 2010 – 2014, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ an toàn 4.172 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 206.920 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 60.691 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

5 tháng đầu năm 2014, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ an toàn 121 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 10.942 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 61 tấn hàng hóa, hành lý, bưu kiện;

Cùng với sự phát triển của đất nước, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam đã không ngừng cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau, tăng khả năng khai thác và phục vụ tốt việc đi lại tại Cảng Hàng không, đảm bảo an toàn giao thông hàng không, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai, góp phần vào sự lớn mạnh của Hàng không Việt Nam.

Hiện nay, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau- Thành phố Hồ Chí Minh khai thác 07 chuyến/tuần vào các ngày Thứ Hai đến Chủ Nhật hàng tuần bằng máy bay ATR 72.

Hoạt động của Cảng hàng không Cà Mau đã đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của cán bộ nhân dân tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đặc biệt là khách quốc tế, các nhà đầu tư, các chuyên gia làm việc tại Cụm khí điện đạm Cà Mau. Với Cà Mau, điểm cực nam của Tổ quốc, hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời hoạt động của Cảng Hàng Không Cà Mau đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh nhà.

Quá trình phát tiển

Tháng 6/1962, Hàng không của chế độ cũ thiết kế lại Phi trường Moranc với qui mô là sân bay hạng G. Theo đó, diện tích sân bay là 91,61 hecta, đường hạ cất cánh dài 1050 mét, rộng 30 mét. Sân đỗ có kích thước 60 x 120 mét và được đổi tên thành Phi trường Quản Long, chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự với các loại máy bay trực thăng, L19, OV10, Dakota, C130 và 1 số loại máy bay khác. Mùa khô năm 1972 đường hạ cất cánh và sân đỗ được thay bằng lớp bê tông nhựa.

Ngày 30/4/1975, sân bay Cà Mau được bộ đội ta tiếp quản. Từ năm 1976 đến giữa năm 1978, không có hoạt động bay dân dụng tại đây, chỉ có các chuyến bay quân sự, chuyến bay thuê chuyến hoặc phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngày 30/4/1995, Cảng hàng không Cà Mau đã phục vụ chuyến bay khai trương AN 2 VF808 hạ cánh an toàn xuống Cảng hàng không Cà Mau. Do chiều dài của đường hạ cất cánh chỉ có 1050m, nên Cảng hàng không Cà Mau chỉ tiếp thu được những loại máy bay nhỏ như AN-2, King Air B200, AS 350, Super Puma 320L, Mi-17. Từ năm 1997 do khách đi máy bay ít nên các chuyến bay thường lịch đã tạm ngừng chỉ còn các chuyến bay thuê chuyến.

Do thời gian xây dựng đã quá lâu (trên 30 năm), lại được xây dựng trên vùng đất yếu, có điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi cho nền móng công trình, mặt khác từ năm 1975 đến năm 1995 hầu như không khai thác, do đó cơ sở hạ tầng tại Cảng hàng không Cà Mau đã bị hư hỏng nhiều, đặc biệt là hệ thống đường hạ, cất cánh, đường lăn, sân đậu đã bị xuống cấp trầm trọng, bề mặt nứt nẻ, không đảm bảo cho việc đưa vào khai thác với tần suất lớn. Đến năm 1995 Cụm cảng Hàng không miền Nam (nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- CTCP) tiến hành nâng cấp, xây dựng mới nhà ga và khu nhà văn phòng Cảng hàng không Cà Mau.

Ngày 30/4/1996, nhà ga Cảng Hàng không Cà Mau được khánh thành. Tháng 7/1996, Cảng Hàng không Cà Mau được lắp đặt đài dẫn đường NDB 500II và máy phát điện dự phòng.

Năm 1999, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1500m, rộng 30m, bề mặt phủ bê tông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương.

Ngày 13/12/2003, Cụm cảng hàng không miền Nam khởi công dự án xây dựng nhà ga cảng Hàng không Cà Mau, với diện tích xây dựng 2.233m2, trong đó diện tích sàn tầng trệt : 1.485m2, diện tích sàn tầng lửng : 748m2.

Từ tháng 5 năm 2004 Công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO đã khai thác tuyến bay SGN – CMA – SGN. Lịch bay thường lệ là từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần.

Định hướng phát triển

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Cà Mau – giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 của Bộ giao thông vận tải, Cảng Hàng không Cà Mau đến năm 2015 sẽ là cảng hàng không cấp 3C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II, trong đó đường hạ cất cánh hiện tại sẽ được kéo dài đạt kích thước 1900m x 30m, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như ATR-72, F 70 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 2; Lượng hành khách tiếp nhận là 200.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 150 hành khách/giờ cao điểm.

Đến giai đoạn 2015-2025, Cảng Hàng không Cà Mau sẽ là cảng hàng không cấp 4C, xây dựng đường hạ cất cánh mới 2400m x 45m, đảm bảo khai thác máy bay A 320/321 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 4; Lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 300 hành khách/giờ cao điểm.

Tỉnh Cà Mau vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mang lại tiềm năng du lịch đa dạng, nhiều tuyến, nhiều địa điểm du lịch tại địa phương sẽ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bằng hình thức du lịch sinh thái. Cà Mau còn có nhiều khu di tích lịch sử, bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng với những lễ hội truyền thống chung và riêng của các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có nguồn thủy, hải sản dồi dào thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước tìm đến đầu tư và phát triển về ngành thủy sản- ngành nổi trội của tỉnh.

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *