Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao máy bay của mình lại thường bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến biết bao kế hoạch đã dự định trước hay không?
Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất khi đi máy bay chính là tình trạng chậm trễ hay thậm chí là bị huỷ chuyến. Công bằng mà nói, khoảng 80% các chuyến bay là đúng giờ – nghĩa là trong vòng 15 phút so với thời gian dự kiến. 20% còn lại thường bị chậm trễ. Tuy vậy, hãy nhớ rằng việc cất cánh một chuyến bay thương mại không đơn giản như việc nhảy vào một chiếc xe hơi, mở máy rồi phóng đi đâu. Đây là một quá trình cực kì nghiêm túc và đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp từ hàng trăm người.
Quả thật, tình trạng bị delay khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng bực mình vì vừa phải chờ đợi lâu lại lỡ biết bao kế hoạch dự định. Tuy vậy, nếu bình tĩnh xem xét kỹ thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Không ít trong số đó đều vì sự an toàn của tất cả hành khách.
1. Vấn đề an ninh
Rõ ràng, việc làm thủ tục check-in và kiểm tra an ninh tại sân bay không phải là dễ chịu với nhiều người. Tuy vậy, đó không phải là việc duy nhất các sân bay phải làm để đảm bảo an toàn cho hành khách. Trên thực tế, đối với những chuyến bay quốc tế, các máy bay cũng cần trải qua quá trình gọi là “thông quan” để khởi hành từ quê nhà. Sau khi đến với một quốc gia khác, các thủ tục phải được giải quyết để thông quan khởi hành từ nước đó thêm lần nữa. Quá trình này thường đòi hỏi nhiều thời gian và trễ bay không phải là chuyện lạ.
2. Máy bay về muộn
Một trong những nguyên nhân phổ biến khác khiến chuyến bay bị delay chính là máy bay về muộn. Tình trạng này thường chỉ diễn ra ở các hãng hàng không giá rẻ có số lượng máy bay ít nhưng lượng hành khách lại khổng lò. Các máy bay luôn được đặt trong tình trạng khai thác 100% công suất nên chỉ một chiếc may bay về muộn sẽ kéo theo hàng loạt các chuyến bay khác bị delay.
3. Vấn đề thời tiết
Khi “ông trời” nổi giông bão ở những địa điểm có trong hành trình bay, các hãng hàng không buộc phải chọn phương án hoãn hoặc thậm chí là huỷ chuyến vì sự an toàn của hành khách. Tuy vậy, đây không phải là lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng bị delay. Rất hiếm khi điều kiện thời tiết có thể làm ảnh hưởng cả một lịch trình bay, bởi máy bay hiện đại đều được thiết kế để có thể chịu đựng thời tiết xấu, kể cả sấm sét. Đa phần chỉ khi có bão hoặc mưa gió lớn máy bay mới không thể cất cánh.
4. Sự cố kỹ thuật
Máy bay của các hãng hàng không thường xuyên được bảo trì sau mỗi chuyến bay. Nếu trong quá trình bảo trì phát hiện bị lỗi thì dĩ nhiên cần phải sửa chữa mới cất cánh được. Khi đó, những hãng hàng không thiếu hụt máy bay thay thế sẽ phải delay cho tới khi sự cố đó được khắc phục chứ không còn cách nào khác.
5. Quá trình chuẩn bị mọi thứ cho chuyến bay tiếp theo
Thông thường, việc trễ chuyến trong trường hợp này thường xảy ra khi máy bay chậm cấp nhiên liệu hay dọn dẹp vệ sinh. Thậm chí, một số chuyến bay thương mại còn phải chở cả hàng hoá bên cạnh con người, thế nên nếu quá trình chuyển hàng lên máy bay bị chậm thì hãng hàng không sẽ phải ra thông báo delay.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị thức ăn cho khách trên máy bay cũng được diễn ra ở một nơi khác, thường cung cấp bởi những dịch vụ phục vụ hàng không đặc biệt. Chính vì vậy, nếu họ giao thức ăn tới trễ cũng ảnh hưởng việc hoãn chuyến bay.
6. Phi hành đoàn đến trễ
Một chuyến bay sẽ không thể cất cánh nếu thiếu đi phi công cùng đội ngũ tiếp viên hàng không. Tuy vậy, tại một số sân bay địa phương, thường thì phi hành đoàn của bạn sẽ đáp từ một máy bay khác vừa hạ cánh xuống sân bay. Nếu chuyến bay trước đó đến trễ thì dĩ nhiên bạn cũng phải chờ đợi cho đến khi họ tới. Tuy nhiên trường hợp này thường hiếm xảy ra bởi những sân bay hiện đại bây giờ luôn có 1 đội ngũ phi hành đoàn thay thế nhau liên tục.
7. Máy bay bị quá tải trọng
Nhiều máy bay có giới hạn trọng lượng chính xác và nếu vi phạm, họ sẽ không được cho phép cất cánh. Thông thường, tải trọng của một phi cơ được tính trên tổng lượng khách và phi hành đoàn có mặt, hành lý, hàng hoá và cả nhiên liệu bên trong. Việc kiểm tra trọng lượng sẽ được thực hiện vào phút cuối trước khi khởi hành để biết máy bay sẽ nặng bao nhiêu trong không khí. Và nếu quá tải, việc delay dĩ nhiên sẽ diễn ra để xử lý.
8. Hạ tầng hàng không bị quá tải
Theo thống kê không chính thức, tính trung bình trong ngành hàng không thế giới, những lý do liên quan đến hệ thống hạ tầng hàng không quốc gia chiếm gần 25% nguyên nhân gây ra chậm chuyến bay hoặc hoãn, hủy chuyến. Nó bao gồm các điều kiện tại sân bay chung như nơi đỗ – hạ cánh, các thiết bị phục vụ mặt đất, nhân lực và phương tiện trong hoạt động kiểm tra an ninh, hệ thống kiểm soát không lưu và các hoạt động khác tại sân bay,…
Lưu lượng các chuyến bay ngày càng tăng trong những năm gần đây có thể dẫn đến việc ngay cả các phi cơ cũng phải… xếp hàng chờ cất cánh hoặc phải bay lượn lờ trên không trung thêm 15 – 30 phút để có thể đến lượt hạ cánh. Đừng nghĩ chỉ có đường bộ mới tắc nghẽn nhé!
Thông thường, đối với các trường hợp delay thay đổi giờ bay quá nhiều, hành khách sẽ được hãng bồi thường theo quy định, hoặc bạn có thể yêu cầu hãng đổi sang một chuyến bay khác thích hợp hơn. Để hạn chế hay tránh tình trạng bị delay, bạn nên chọn giờ bay sớm hơn so với công việc hay kế hoạch dự định của mình. Trong trường hợp phải quá cảnh, nối chuyến thì bạn nên sắp xếp lịch bay chặng thứ 2 cách xa thời gian hạ cánh của chặng 1 từ 3 – 6 giờ để đảm bao không bị trễ chuyến.
Nguồn: Brightside